Giỏ hàng

Series hiểu nghề: Quản trị kinh doanh & những điều cần biết

Series hiểu nghề: Quản trị kinh doanh & những điều cần biết

Quản trị kinh doanh (tên tiếng Anh: Business Administration) là một ngành học chưa bao giờ “giảm nhiệt” trong tất cả các trường Đại học lớn nhỏ có đào tạo ngành học này. Vậy Quản trị kinh doanh có gì và cơ hội sau khi ra trường của ngành học này có gì đặc sắc? Cùng Jamlos tìm hiểu sâu hơn qua bài viết dưới đây nhé!

1. Quản trị kinh doanh - Khái niệm và những vấn đề xoay quanh

Ngày nay, người ta vẫn thường nói vui ngành Quản trị kinh doanh là ngành học dành cho “con ông cháu cha”, dành riêng cho những “cậu ấm cô chiêu” đã có sẵn doanh nghiệp và đi học để về tiếp quan gia sản của gia đình. 

Về bản chất, câu nói này có thể đúng nhưng chưa đúng hoàn toàn, bởi sẽ có những gia đình đặt kì vọng vào con em của mình, họ xây dựng lộ trình để con của họ có thể kế thừa sản nghiệp và làm chủ công việc kinh doanh của gia đình. Trong quá trình đó, những bạn trẻ vẫn phải đi từ từ theo lộ trình để thực hành công việc từ nhỏ đến lớn, từ đó họ mới có thể hiểu sâu và quản lý tốt.

Do đó, dù bạn có sẵn sản nghiệp hay không, bạn vẫn có thể trở thành một người làm quản trị kinh doanh thành công bởi đây là khối ngành rộng lớn và đầy tiềm năng cho những ai thật sự đam mê. Bất cứ ai cũng phải trải qua những bước đầu tiên, từ các cấp bậc cơ bản với khối lượng kiến thức và công việc nâng cao dần mới có thể thông thạo và hoàn thành tốt. Vậy hiểu rõ ràng về khái niệm của ngành Quản trị kinh doanh như thế nào là đúng?

quản trị kinh doanh là gì?

Về cơ bản, Quản trị kinh doanh được hiểu là việc thực hiện quá trình quản trị hoạt động kinh doanh của một tổ chức, doanh nghiệp trên thị trường. Quản trị là một khái niệm rộng và bao gồm rất nhiều nhánh nhỏ trong một sơ đồ cơ cấu của một doanh nghiệp. Nói dễ hiểu, Quản trị kinh doanh là ngành học đào tạo các kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến việc thành lập và điều hành một doanh nghiệp bất kể đó là công ty tư nhân, trực thuộc nhà nước hay phi chính phủ.

Người theo học ngành Quản trị kinh doanh sẽ được học về mọi bộ phận trong một công ty như marketing, tài chính, nhân sự,… cùng nhiều kỹ năng mềm liên quan đến công việc như lãnh đạo, phân tích và cả đạo đức kinh doanh.

Dựa vào tính chất của ngành Quản trị kinh doanh, một người làm Business Administration sẽ đảm nhận các đầu việc liên quan nhiều đến quá trình tư duy và ra quyết định trong các bước cụ thể như: 

  • Xây dựng một cách toàn diện các hệ thống và đề ra các chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp.
  • Chịu trách nhiệm vận hành và tham gia vào công tác quản lý các hoạt động kinh doanh
  • Đề ra những biện pháp giúp tối ưu hoá và nâng cao hiệu suất, từ đó giúp tăng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh
  • Tham gia vào công tác quản trị và đo lượng hiệu quả của quá trình kinh doanh nhằm mục đích tối ưu chi phí và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp

quản trị kinh doanh chiếm vị trí quan trọng trong phát triển một doanh nghiệp

Sở dĩ ngành Quản trị kinh doanh mang đến nhiều cơ hội rộng mở cho những ai theo đuổi chính là vì quá trình quản trị thường diễn ra xuyên suốt trong các giai đoạn kinh doanh của một doanh nghiệp hay tổ chức. Người làm Business Administration sẽ không ngừng những đầu việc của mình để giữ cho doanh nghiệp hoạt động ổn định trong suốt quá trình kinh doanh. Do đó, các cơ hội việc làm sẽ thường rất đa dạng, thường là việc đảm nhận vị trí trong các phòng ban liên quan như: Phòng kinh doanh, phòng quản trị, phòng nghiên cứu và phát triển,...

2. Quản trị kinh doanh - Những lý do khiến ngành học không bao giờ hết “hot”

  • Có thể thực hành nhiều vị trí trong công ty

Việc theo học về nghiệp vụ của nhiều vị trí có thể mang đến nhiều lợi ích khác nhau. Không tính đến những vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như Kế toán thì sinh viên Quản trị Kinh doanh gần như đều có thể đảm đương hầu hết các vị trí của doanh nghiệp. Đó có thể là công việc của một nhân viên sales, một tư vấn viên hay một nhân sự Marketing - truyền thông cho một tổ chức,...điều đó mang đến nhiều cơ hội và tăng sự hấp dẫn trong lúc làm việc khi không phải làm mãi một đầu việc duy nhất. 

quản trị kinh doanh đa dạng và rộng mở

Chưa kể, việc am hiểu các nghiệp vụ của các bộ phận khác có thể gia tăng sự thấu hiểu và làm việc ăn ý hơn đối với những cộng sự tại công ty, tổ chức.

  • Cơ hội cho việc học chuyên sâu

Quản trị kinh doanh vốn là ngành học cung cấp nhiều thộng tin chuyên môn của rất nhiều ngành nghề đặc thù khác, tuy không quá chuyên sâu nhưng những kiến thức nền tảng về ngành và các nghiệp vụ đều được giảng dạy kĩ lưỡng cho những ai theo học Business Administration. 

Do đó, nếu trong quá trình học tập một chuyên ngành đặc thù nào đó của ngành như Marketing hay Kinh tế, bạn có thể chọn theo học ngành đó sâu hơn ở cấp bậc Thạc sĩ. Khi đã có những kiến thức nền tảng ở cấp bậc Cử nhân, việc theo đuổi sâu hơn một khía cạnh của ngành sẽ dễ hiểu và đúng chuyên môn hơn cho những ai có mong muốn học cao hơn nữa. 

học chuyên sâu với ngành Quản trị kinh doanh

Quản trị kinh doanh luôn là khối ngành được quan tâm và giữ vị trí quan trọng trong tất cả các cấp bậc tuyển sinh, do đó, chương trình học và hình thức của khối ngành này luôn rất đa dạng và thoải mái nếu bạn có ý định theo học nâng cao.

  • Tư duy Start-up

Sẽ không phải là không có căn cứ khi người ta vẫn thường truyền tai nhau theo học Quản trị kinh doanh đều sẽ hình thành nên tư duy tự khởi nghiệp. Khi bạn đã nắm rõ quy trình và có kinh nghiệm trong chính những dự án hay môn học được giảng dạy, bạn sẽ chủ động mày mò, thử nghiệm và phát triển các ý tưởng kinh doanh của mình trước tiên nên chắc chắn có được nhiều lợi thế. 

tư duy “dám nghĩ dám làm”

Tuy nhiên, bất kỳ điều gì cũng sẽ có những rủi ro, chỉ khi nắm chắc được bản thân đang và cần làm điều gì, cân nhắc các kế hoạch và lộ trình cẩn thận mới là lúc bạn sẵn sàng cho quá trình khởi nghiệp, dù là ngành Quản trị kình doanh hay bất cứ ngành học nào khác. 

3. Quản trị kinh doanh - những tố chất nào là phù hợp?

  • “Bạn thân” cùng những con số phức tạp

Một việc bạn khó tránh khỏi trong ngành Quản trị kinh doanh chính là việc làm bạn với những con số dày đặc ở các loại báo cáo được trình lên mỗi năm, mỗi tháng hay mỗi ngày. Đây là một đặc thù và chỉ những ai thật sự tìm thấy được niểm cảm hứng, sự đam mê với những số liệu có phần khô khan mới đảm đương được. Hơn hết, nếu bạn có thiên hướng về sự tư duy, logic,...sẽ rất phù hợp với ngành.

phân tích số liệu mỗi ngày cùng Quản trị kinh doanh

  • Nhạy bén và thực tế trong mọi hoàn cảnh

“Thương trường như chiến trường”, bất cứ một động thái kinh doanh nào xảy ra trên thị trường lao động luôn yêu cầu những người làm Business Administration phải linh hoạt để thích nghi và xoay chuyển để phù hợp với thời thế, với nhu cầu của khách hàng hay với các mục tiêu, chiến lược đã được đề ra.

quản trị kinh doanh và câu chuyện tăng doanh thu

Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh cùng đòi hỏi những con người thực tế, dựa vào hiện thực để phân tích tình huống, dùng lý trí để xử lý vấn đề nhằm hạn chế tối đa các quyết định cảm tính có thể mang đến những rủi ro thất bại cho công việc kinh doanh.

  • Giao tiếp - chìa khoá cho mọi vấn đề

Việc yêu thích làm việc với con người và giao tiếp cùng nhau chính là khía cạnh quan trọng trong ngành Quản trị kinh doanh. Ngoài giao tiếp và tạo sự liên kết với các thành viên trong công ty, nhân sự ở các bộ phận liên quan để đảm bảo doanh nghiệp vận hành trơn tru, người làm quản trị cũng cần phải biết giao tiếp tốt để giữ các mối quan hệ bên ngoài, gặp mặt xã giao để xây dựng các mối quan hệ chất lượng từ đó gia tăng quy mô công ty. 

Không riêng bất cứ ngành nghề nào, kỹ năng giao tiếp luôn luôn được đề cao, nếu bạn thực sự yêu thích ngành Quản trị kinh doanh nói riêng thì việc rèn luyện và cải thiện tính cách rụt rè, thiếu chủ động là vô cùng cần thiết.

Trên đây là một vài chia sẻ của Jamlos về ngành Quản trị kinh doanh, rất mong bạn đã biết thêm một vài điều bổ ích sau khi đọc qua bài viết của Jamlos, hẹn gặp lại mọi người vào những series đa dạng và bổ ích tiếp theo nhé!

Nội dung & Hình ảnh: TPY - Marketing Assistant of Jamlos 

Call me Ín - naturally introverted, selectively extroverted.